Hàng năm, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm việc làm lất lớn trong khi đó cơ hội việc làm cho các "tân cử nhân" là không nhỏ. Một bộ hồ sơ trau chuốt cho một cuộc phỏng vấn trực tiếp là cơ hội cho bạn định vị được hình ảnh trong lòng nhà tuyển dụng. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện mình "khác" với các ứng cử viên. Với kinh nghiệm của cá nhân, tôi mong muốn được chia sẻ với bạn đọc "Tâm sự bạn trẻ".
1. Nên nhớ nguyên tắc đầu tiên
Hình ảnh "ấn tượng ban đầu" vô cùng quan trọng: ăn mặc, đi đứng, cử chỉ, ánh mắt... là điều đầu tiên "đập" vào nhãn quan nhà tuyển dụng. Bạn nên tìm hiểu cách mặc như thế nào sao cho hợp gu, tùy thuộc vào "văn hóa", môi trường, công việc của tổ chức nơi bạn đăng ký tuyển dụng. Nên nhớ nguyên tắc chung: Không nên ăn mặc quá cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ kiểu "tạo ấn tượng khác người" hoặc đồ quá ngắn, quá mỏng gây phản cảm với nhà tuyển dụng.
2. Ánh mắt
Điều tưởng chừng như đơn giản nhưng bạn trẻ dễ mắc sai lầm. Khi "nói chuyện" đối mặt với nhà tuyển dụng, bạn không dám nhìn thẳng vào mắt họ mà thường đưa ánh mắt nhìn ngang bên phải, bên trái hoặc nhìn xuống mặt bàn. Như vậy, vô hình chung nhà tuyển dụng cho rằng bạn "không tự tin và thiếu trung thực". Nên nhớ quy tắc "nhìn" linh hoạt, hợp lý: Nhìn từ mũi lên là cái nhìn trân trọng; Nhìn từ mũi xuống cằm: cái nhìn người yêu, thân ái; Nhìn từ cằm xuống là cái nhìn soi mói. Và một điều ứng cử viên thường không nghĩ đến là nhà tuyển dụng họ cũng chịu áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ trước "sếp" của họ nên bạn đừng đánh mất sự tự tin của mình, bạn sẽ tránh được sự ấp úng, run bần bật, mất tự tin của bản thân.
3. Đối mặt với các câu hỏi của nhà tuyển dụng
- Thứ nhất: Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?
Trong câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn đánh giá kỹ năng trình bày của bạn. Bạn nên lọc thông tin như thế nào để tạo ấn tượng. Thông tin gì nên đưa vào phần này. Bạn không nên nói dài dòng, lòng vòng vì có thể nhà tuyển dụng không cần nghe "bạn nói gì" mà chỉ cần biết "bạn nói như thế nào". Do đó, nên chuẩn bị 50 giây đầu tiên giới thiệu về bản thân, nhấn vào từ quan trọng, tránh nói đều đều, dễ gây... buồn ngủ cho nhà tuyển dụng.
- Thứ hai: Tại sao bạn lại chọn vị trí này?
Câu hỏi này là cơ hội cho bạn thể hiện những kinh nghiệm bạn đã viết trong "Đơn việc làm" (nên nhớ "Đơn việc làm" chứ không phải là "Đơn xin việc làm"). Bạn nên đánh bóng công việc như: Sở thích, trải nghiệm của bản thân, tìm tòi và "phúc lợi xã hội". Lưu ý, nên dùng từ "phúc lợi xã hội" hơn là "lương bổng".
- Thứ ba: Tình huống của nhà tuyển dụng...
Thì vô cùng đa dạng, và tất nhiên, bạn không thể biết trước. Để không bị bỡ ngỡ, bạn nên tự mình đặt ra các tình huống giả định ở nhà và tự trả lời. Nhà tuyển dụng đặt ra các tình huống muốn các ứng cử viên "phản xạ", phân tích vấn đề và lập kế hoạch như thế nào. Nếu bạn chưa trả lời được, nên hỏi lại câu hỏi để kéo dài thời gian suy nghĩ.
Có tình huống rất đơn giản. Nhà tuyển dụng trực tiếp bạn, có thể là nhà quản lý của bạn sau này. Họ rất chuyên nghiệp khi để bạn "nói chuyện" tự bạch bản thân, không gây căng thẳng. Họ đang "nói chuyện" với bạn, họ xin phép nghe điện thoại hoặc làm việc gì đó. Bạn nghĩ rằng nhà tuyển dụng "xao nhãng" bạn. Hoàn toàn không hẳn như vậy. Bạn đừng bỏ phí thời gian. Lúc này, bạn nên nhìn trước mặt, chiếc bàn đang ngồi xem cốc chén đã gọn chưa, có để lung tung với các đồ vật khác không. Nếu vậy, bạn nên phát huy đôi bàn tay, sắp xếp chúng lại. Hành động nhỏ này, nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn rất chu đáo, chỉnh chu.
Bạn đừng nghĩ đến việc sắp xếp không thôi. Nghĩa rằng, bạn nên tập trung vào vấn đề quan trọng nhất buổi hôm ấy là: mình đang được phỏng vấn. Để bất chợt nhà tuyển dụng hỏi, bạn không bị lúng túng. Họ sẵn sàng hỏi những câu "bâng quơ", "không đầu không đũa" như: Em có thể cho biết hiện nay Hà Nội có bao nhiêu chiếc xe gắn máy, xe ô tô lưu thông trên đường...?
Bạn đừng nghĩ họ... có vấn đề, câu hỏi không ăn nhập. Nhà tuyển dụng muốn kiểm tra khả năng phản xạ của bạn trước những tình huống bất ngờ. Những câu hỏi này, bạn không nhất thiết trả lời thẳng hoặc nói "Ôi, em không rõ nữa vì mảng giao thông em không quan tâm lắm vì nó không liên quan đến công ty/tổ chức/cơ quan này" hoặc "Em không hiểu anh/chị hỏi vậy là sao" Nghe vậy, bạn rất... ngây thơ và không chuyên nghiệp, dễ bị mất điểm.
Bạn nên nói: "Câu hỏi của anh/chị rất thú vị. Em nghĩ rằng lượng xe lưu thông trên đường có xe đã đăng ký và xe lưu thông nhưng chưa đăng ký. Nhà quản lý chỉ kiểm soát được lưu lượng xe qua đăng ký rồi. Do vậy, em nghĩ, bây giờ em không thể làm thỏa mãn câu hỏi của anh/chị. Tuy nhiên, em tin rằng em sẽ làm hài lòng anh/chị khi em được nhận vào làm việc tại quý Công ty/tổ chức.
Có tình huống, nhà tuyển dụng mời bạn ngồi ở đại sảnh "nói chuyện" và "vô tư" hỏi bạn: "Theo bạn, với không gian này nên tổ chức, sắp xếp như thế nào cho hợp lý... vân vân và vân vân
Như vậy, có những tình huống "lâm ly" dở khóc, dở cười mà bạn không nên coi thường, xem nhẹ.
4. Câu hỏi kết thúc
Thông thường, ứng cử viên rất "sốt ruột" với vấn đề "tiền lương và hoa hồng". Bạn không nên đề cập về lương trước nhà tuyển dụng, nên để vấn đề này cho nhà tuyển dụng hỏi và bạn sẽ có cơ hội "lái" họ theo suy nghĩ của mình.
Nhà tuyển dụng hỏi "mập mờ": bạn mong muốn mức lương như thế nào? Bạn nên nói: Tôi tin tưởng rằng với kết quả tốt đẹp, cùng với các bộ phận khác, góp phần đưa doanh thu, uy tín của Công ty/tổ chức tăng lên, tôi được nhận mức lương xứng đáng với công việc tôi đảm nhiệm, tham gia vào.
Lúc này, nhà tuyển dụng không thể "làm ngơ, lặng im" trước sự tự tin của bạn và họ sẵn sàng "đề xuất" mức lương. Bây giờ, bạn sẵn sàng có thể "trả giá" cho sức lao động của bạn với lời cam kết trong công việc khi bạn được nhận vào làm.
Tiếp theo, nhà tuyển dụng sẽ hỏi lại bạn: Bạn muốn hỏi gì nữa không? Cũng có nghĩa là câu chuyện nên dừng tại đây. Bạn cũng đừng quên cơ hội này, để tạo ấn tượng khi kết thúc. Nên hỏi lại: Đến bao giờ em được biết kết quả của mình? Em có thể gọi điện để cảm ơn anh/chị được không? Em mong và hy vọng rằng được gặp lại anh/chị trong một ngày gần nhất. Và bạn đừng quên lời chào trước khi ra về.